Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc trẻ quá thông minh có thể là dấu hiệu của chứng tự kỷ.
Ngày đăng: 21-10-2014
3040 lượt xem
BS chuyên khoa tâm thần Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (đơn vị chuyên khám, dạy trẻ tự kỷ, mắc Down và các hội chứng chậm phát triển khác), cho biết, 1 - 3% trẻ tự kỷ “thần đồng” là do sự phát triển bất thường của não. Phần này của não không phát triển, nhưng phần kia lại phát triển vượt trội khiến trẻ chỉ thiên về một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, đó là sự sao chép chứ thực chất, trẻ không hiểu gì về nội dung hoặc ý nghĩ chữ viết, con số...
Khổ vì thông minh vượt trội
Nguyễn Mai Anh (ở phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Con tôi ba tuổi đã mê mẩn khi nhìn thấy những con số. Lúc 5 tuổi, cháu đã biết cộng trừ đến 100. Lên 6, cháu đã có thể đọc lại toàn bộ bài mà tôi vừa đọc. Đặc biệt, khi 7 tuổi, tự cháu đã có thể chơi một số bản nhạc mà không ai dạy. Khi mời thầy đến dạy nhạc, dù thầy không dạy được cho cháu (trẻ tự kỷ chỉ thích làm điều mình muốn, không nghe theo người khác), nhưng thầy rất ngạc nhiên vì cháu nói đúng một số kiến thức về nhạc lý”.
TS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa phục hồi chức năng, Bệnh viên Nhi trung ương, cho biết, khoa từng tiếp nhận một số ca tự kỷ có dấu hiệu “thần đồng”, gần đây là một bệnh nhân 15 tuổi. Hồi 2 - 3 tuổi, cháu đã đọc được các dòng chữ trên sách, báo, tường, biển quảng cáo... Do quá tự hào về con, bố mẹ không để ý những biểu hiện khác lạ, khi nhận ra thì cháu đã lớn. Hiện cháu học lớp 9 nhưng không theo kịp bạn bè, không thích giao tiếp với ai ngoài... các con thú nhồi bông.
Theo BS Nguyễn Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tâm tâm lý N - T, trong số 40 cháu bị tự kỷ đang học ở trung tâm, có 4 trường hợp “thần đồng”. Có những cháu rất giỏi tin học và suốt ngày chỉ thích chơi với máy vi tính.
BS Đỗ Thúy Lan cho biết, 20 - 30% trẻ tự kỷ có trí tuệ bình thường, thậm chí thông minh (chiếm 1 - 3%). Những dấu hiệu như sớm biết đọc, biết làm toán... ở trẻ được gọi là khả năng bất thường. Tuy nhiên, sự thông minh kỳ lạ này thường chỉ biểu hiện ở một khía cạnh, còn về tổng thể, trẻ vẫn bị rối loạn phát triển. Nếu không điều trị, những khả năng ấy có thể mất đi, trong khi trẻ không có khả năng hòa nhập cuộc sống. Theo các chuyên gia, nếu trẻ “thần đồng” được khám ngay từ hồi nhỏ, bác sĩ sẽ phát hiện được những bất thường để điều trị kịp thời.
Hiện nay, số trẻ tự kỷ tăng mạnh, đặc biệt là ở các thành phố. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, lượng trẻ tự kỷ đang được trị liệu phục hồi chức năng cao gấp 3 lần so với cách đây vài năm, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 ca. Nghiên cứu mới nhất của các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, số trẻ em thành phố mắc tự kỷ gấp đôi so với trẻ em nông thôn.
Y học chưa tìm ra nguyên nhân gây tự kỷ, song nhiều nhà khoa học cho rằng tự kỷ không phải là bệnh tâm thần, mặc dù có tới 33% trẻ tự kỷ có các tật chứng ở hệ thần kinh trung ương. Họ cho rằng, hành động của trẻ bất thường nhưng không gây hại cho người khác, vì thế không nên cấm cản, rày la hoặc đánh trẻ và phải ghi nhận lại những hành động này vì chúng cho biết cách trẻ cảm nhận thế giới.
Khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần nhẹ nhàng, tình cảm và kiên nhẫn với con, không bao giờ to tiếng, quát nạt làm trẻ sợ. Nếu được điều trị trước ba tuổi, trẻ có khả năng hòa nhập rất cao.
Theo Đất Việt
Trải nghiệm cùng Đồ hiệu cho bé yêu
Gửi bình luận của bạn